Họp lớp 20 năm tốt nghiệp PTTH - Chuyện giờ mới kể (Kỳ 1: Châm ngòi)

Buổi họp lớp kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp PTTH khởi đầu cho sự kết nối liên lạc (mặc dù không được thường xuyên cho lắm) giữa các thành viên trong lớp chúng ta. Nhưng chắc còn nhiều bạn chưa biết là để có được buổi gặp mặt đó thì một số thành viên trong lớp đã phải tranh cãi nhau kịch liệt và chỉ thiếu điều là chưa sử dụng nắm đấm để thanh toán lẫn nhau... heeeeeeeeee……

Tôi là một trong số ít người biết được chuyện hậu trường của cái vụ tổ chức Họp lớp 20 năm đó và vì cũng chả có mấy ai đọc cái blog này nên tôi đành lôi ra kể lể dông dài cho có chuyện và cũng đỡ hổ cái danh mà Nam cò phong cho là Trưởng BBT blog. Dẫu sao thì cũng là chuyện buôn dưa lê nên nếu bạn nào có tức thì cứ việc viết bài gửi lên blog mà chửi tui nhé.

Câu chuyện bắt đầu từ một ngày nhàn rỗi không biết phải làm gì vào năm 2002, tôi bỗng lục lại trí nhớ thì thấy rằng hình như mình tốt nghiệp PTTH năm 1983 và như vậy là đã ra trường được 19 năm. Giật mình, vớ vội lấy cái gương để soi và thấy cái mẹt của mình sao mà khó coi và chợt nghĩ tại sao không gặp lại cái bọn ngày xưa cứ coi mình như con nít xem liệu chúng nó có khó coi hơn mình không nhỉ? Xuất phát từ cái ý nghĩ đen tối đó mà tôi điện thoại ngay cho Xuân Mo-ni-tơ vì Xuân cùng phố với tôi và đôi khi chúng tôi vẫn contact với nhau. Sau khi gợi cho cô nàng nhớ về việc đã ra trường được 19 năm, tôi bèn đề nghị nàng đứng ra tổ chức họp lớp kỷ niệm 20 năm tốt nghiệp vì ít nhiều gì nàng cũng đã từng là lớp trưởng nên phải có trách nhiệm.....

Chả biết do tinh thần trách nhiệm cao cả hay do cô nàng run sợ trước lý lẽ lúc mềm như thép lúc rắn như nước của tôi mà không dám từ chối lại còn ủng hộ ngay tức thì. Rồi sau đó, chúng tôi liên hệ với Thắng Pôn Pốt vì biết hắn cũng có thành tích “bất hảo”, thuộc hạng “miệng quan trôn trẻ”, à quên “miệng nhà quan có gang có thép” (thành thực xin lỗi Pôn Pốt nhé) và vì hồi đó chả biết tóm lấy ai cả (chứ không như bây giờ có khối kẻ để tóm). Thằng cha này được cái tính tốt là cả nể chị em nên hắn tuân lệnh ngay tức thì. Hắn khoe là trong tay có số điện thoại của một vài thằng cùng lớp là bạn bia, bạn cà-phê nên sẽ alô để cả bọn gặp nhau rồi bàn xem thế nào (hơ hơ…, may quá gặp ngay được con gà béo lại còn nhiệt tình và dễ tính).

Chuyện tiếp theo còn nhiều ly kỳ, gay cấn lắm, quý vị cứ chờ tôi từ từ hồi tưởng rùi kể tiếp nha.


Xem bài tiếp:
- Họp lớp 20 năm tốt nghiệp PTTH - Chuyện giờ mới kể (Kỳ 2: Khẩu chiến)
=======================================

XEM THÊM CÁC ALBUM ẢNH KHÁC TẠI ĐÂY




XEM THÊM CÁC VIDEO KHÁC TẠI ĐÂY


=======================================
Share:

Câu chuyện bàn phím (Hà Ron sưu tầm)

Một mẩu Massege Yahoo về bàn phím của bạn Hà Ron sưu tầm và gửi cho tôi để tôi suy nghĩ một chút nào đó về những điều trùng hợp trong cuộc sống, có thể là vô tình hay cố ý (tôi nghĩ thế). Ở đây là những chữ cái trên bàn phím mà tôi hàng ngày vẫn thường dùng nhưng không hề để ý đến nó đã nhắc nhở tôi một điều: "Cuộc sống quanh ta có rất nhiều điều thú vị và bất ngờ, nếu chú ý quan sát một chút thì sẽ thấy rằng mọi thứ xung quanh không đến nỗi tẻ nhạt và bình thường như ta vẫn đang lầm tưởng".

Phím B cách phím M và phím N ở giữa: là “Bố and Mẹ”, những người sinh thành ra chúng ta. Phím C luôn sát cánh bên phím V, tình cảm giữa Chồng và Vợ luôn bền vững và sát cánh bên nhau. Ngay phía dưới phím A là phím Z, thế mà xưa nay ta cứ tưởng A và Z xa nhau lắm. Có nhiều thứ cũng nghĩ là khác nhau rõ ràng như A và Z… hóa ra khoảng cách cũng mong manh lắm. Phím S và phím D nằm cạnh bên nhau, trong cuộc sống sự phân biệt và khoảng cách giữa Đúng và Sai có bao giờ rõ ràng… Tại sao phím U luôn đứng cạnh phím I nhỉ ? Và ngay bên trái đó là 2 phím T và Y nữa ? Vì “Tình yêu” của “U and I"./.
Share:

Tâm sự cùng "Pác Giừ"

Lâu nay bận quá, tôi không viết bài nào để đăng lên blog của lớp mình cả. Mà nếu có viết đi chăng nữa thì cũng quanh đi quẩn lại vài cái chủ đề cũ rích nên tôi thấy có vẻ hơi mất hứng và chán nản. Dù sao đi nữa, để duy trì và tồn tại bài viết cho blog thì tôi cũng xin viết ra đây dăm ba dòng vậy!. Trước đây tôi có viết một số bài về những ký ức của mình đối với các bạn trong lớp, mà chủ yếu là một số người bạn mà tôi hay giao du và còn lưu rất nhiều kỷ niệm trong lòng. Để tiếp nối những seri bài đại loại như thế, tôi xin gửi vào đây vài dòng cảm nghĩ về Pác Giừ.

Gọi là Pác Giừ là mới sau này thôi, khi chát chít với Hà Ron th­ường gọi như vậy và tôi cứ thế gọi theo. Ngày xưa, khi còn đi học thì tôi và Hiệp thân nhau lắm. Hầu như tuần nào cũng có buổi tôi xuống nhà Hiệp để cùng học và chơi bời với nhau. Thật ra khi mới vào trường Quỳnh Mai thì tôi và Hiệp cũng quen nhau như bao đứa bạn khác, sau này dần dần quen nhau, ngồi học cùng bàn và có nhiều sở thích giống nhau nên chơi với nhau thôi. Chúng tôi thường hay tụ tập đá bóng ở sân trường ĐH Kinh tế Quốc dân (mà ngày xưa gọi là trường Kinh tế Kế hoạch thì phải). Chúng tôi thường ngồi chép bài hát ra sổ tay vì trước đây không biết Hiệp kiếm ở đâu một quyển sổ có rất nhiều bài hát và thơ. Sau đó chúng tôi cùng đánh đàn ghi-ta, tôi vẫn còn nhớ Hiệp có một cây đàn ghi-ta có phím to đùng bấm rất hay, có khi Hiệp còn dùng cả sơn ta để dán đàn nữa khi cần đàn bị cong. Vào các buổi chiều thứ bảy, tôi thường mang xe đạp xuống nhà Hiệp, hai thằng lại hì hục tự sửa chữa, vá săm, cân vành, thay bi các kiểu thật là vui. Xe lúc nào cũng bon bon chạy tốt vì nhà Hiệp có một bộ đồ nghề đầy đủ, đảm bảo cho một thợ sửa xe chuyên nghiệp. Một tài năng nữa của Hiệp đó là cắt tóc, tôi quen cắt tóc của Hiệp đến nỗi sau này có một thời gian dài sau khi tôi đã ra quân, tôi vẫn thỉnh thoảng xuống đó để Hiệp cắt và hai đứa cùng nói chuyện với nhau rất vui vẻ. Mãi đến sau này khi Hiệp không cắt tóc cho tôi nữa, mỗi lần ra ngoài hiệu để cắt tóc tôi vẫn cảm thấy thế nào ấy, không thể quen được.

Chuyện buồn vui của chúng tôi có nhiều kỷ niệm lắm! Từ chuyện học hành, chơi bời và cả những chuyện riêng tư chúng tôi vẫn kể cho nhau nghe. Kể cả chuyện tình cảm thầm kín của chúng tôi cũng nói cho nhau hết. Những ngày đó thật đẹp, nhưng tất cả chỉ là gợi nhớ mà thôi. Khi ra trường Hiệp có viết sổ lưu niệm cho tôi rất dài với những tình cảm dành cho nhau rất đẹp. Cuối cùng, Hiệp còn làm một bài thơ nữa. Ngày đó chắc là ông ấy a-dua theo tôi thôi nên viết lách, thơ thẩn búa xua. Bây giờ nếu ai bảo ông ấy viết một bài nào đó có lẽ cũng chịu vì tôi và Hà Ron giao nhiệm vụ viết bài mà đến gần nửa năm trời rồi ông ấy có nặn được dòng nào đâu - Bằng chứng là trên blog này chẳng có bài nào của ông ấy cả (Bó tay chấm côm). Bài thơ trong sổ lưu niệm của tôi nói ở trên đến bây giờ quả thật tôi quên gần hết chỉ nhớ vài câu cuối lõm bõm mà thôi. Khổ thơ cuối thế này:

Chúc Nam vững bước trên đường đời
Nam ơi có nghe lời tôi không đấy
Và vui lên khi chúng mình chia tay
Hoa hạnh phúc tràn đầy trên duyên thắm.

Như bài trước khi viết về "Lớp trưởng của chúng ta", tôi đã nói về Xuân và bài thơ lưu niệm của Hiệp, ai đó có thể xem lại nó trên blog này về cái tam giác mà Xuân ghi lại trong lưu niệm của tôi (chỉ tiếc rằng, bài thơ này tôi cũng không nhớ toàn bộ, mà bây giờ có đi hỏi lại Pác Giừ chắc cũng thế thôi, tôi không tin là Hiệp có thể nhớ hết về nó).

Và cuối cùng, khi những ngày tháng học cấp III phổ thông đã hết, chúng tôi lại rủ nhau thi vào trường Sĩ quan quân đội. Khi Hiệp học tại Hương Phú - Phú Bài - TP. Huế còn tôi ở Sơn Tây, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên thư từ cho nhau đều đặn, đây cũng là niềm vui cho những ai đã từng đi lính thỉnh thoảng nhận được thư từ của người thân. Kể cả sau này, khi chúng tôi đều đã ra quân và trở về nhà tình cảm đối với nhau vẫn thế. Nhưng chỉ có điều khác biệt là khi tuổi mỗi lớn, công việc cuộc sống nhiều thì sự giao lưu ngày càng hạn chế, chúng tôi không thể chơi với nhau thường xuyên như trước nữa. Mỗi người có một gia đình riêng, không thể tuần nào cũng gặp nhau để đàn hát và cắt tóc như ngày xưa được. Ngay cả việc "chát chít" cũng thế thôi, lắm khi cũng phải bỏ dở để phục vụ mấy "ông con", nhưng mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm đẹp thế này tôi không thể nào quên được.

Tự bản thân tôi cũng cảm thấy bồi hồi và nuối tiếc một điều gì không rõ lắm, nó không cụ thể nhưng cũng chợt thấy lâng lâng. Những dòng viết này của tôi ví như "muối bỏ bể" so với những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã có. Có thể Hiệp cũng suy nghĩ giống như tôi vậy nhưng chỉ có điều là không viết ra thành lời như tôi thôi. Hy vọng Pác Giừ nhà ta sẽ có một vài suy nghĩ để giãi bày tâm sự của mình trên blog này trong thời gian không xa. Biết đâu đấy, tất cả mọi điều đều có thể xảy ra mà.
=======================================

XEM THÊM CÁC ALBUM ẢNH KHÁC TẠI ĐÂY




XEM THÊM CÁC VIDEO KHÁC TẠI ĐÂY


=======================================
Share:

Nhớ bài "Chiều cuối thu Hà Nội"

Bài thơ "Chiều cuối thu Hà Nội" của nhà thơ Trương Nhân Huyền đã được đăng trên "Tạp chí Văn nghệ Quân đội" của những năm 80, đã lâu lắm rồi, khi đó tôi còn là một người lính đồng thời là một độc giả thân thiết của tạp chí này. Đây cũng là bài thơ tôi đã ghi lại cẩn thận trong tập thơ yêu thích của mình. Sau bao năm, hôm nay chợt nhớ lại một thời trai trẻ, một chút dư âm trong ký ức vọng về, tôi xin sưu tầm và post lại để mọi người chia sẻ cùng tôi.

Chiều cuối thu Hà Nội
Tác giả: Trương Nhân Huyền


Hà Nội ơi tôi đến cùng chiều
Tôi trẻ quá mà thu đã cuối
Tiếng guốc gõ trên hè vồi vội
Mắt nhìn theo bóng áo đỏ cuối trời.

Tôi đã về thương mến phố phường ơi
Tim trai trẻ tưởng chừng lỡ nhịp
Lần mái tóc biết là không khác được
Vẫn muốn đi ngược phố với thu này.

Không dễ gì tìm được chút men say
Ở trời cao ven hồ thơm hoa sữa
Dẫu như thế và còn hơn thế nữa
Không thể không xao lòng với phố đẹp chiều nay.

Đã từng khi ấp úng với bàn tay
Lòng tự trách sao mình không từng trải
Để trầm tĩnh với bước đi chậm rãi
Nhìn tận mắt mùa thu cho đến cuối chiều.

Sẽ đến cùng tất cả tin yêu
Thu đã cuối nên mình vội vã
Hà Nội ơi có gì thật lạ
Thu non trẻ cùng tôi khi đã cuối mùa.

Nơi xuất bản: NXB Lao Động - 2001
Share:

Vài cảm nghĩ nhân "Ngày khai trường"

Lại bắt đầu một năm học mới! Đã hơn hai mươi năm qua, tôi không còn để ý đến ngày khai trường nữa và đến bây giờ thực sự tôi không còn nhớ buổi khai trường cuối cùng của mình diễn ra như thế nào. Nó không gây một chút ấn tượng nào và không còn lưu trong bộ nhớ của tôi lấy một khoảnh khắc. Tất cả chỉ là một cái gì đó vừa chung chung vừa giống như bao buổi khai trường khác mà tôi đã tham dự. Tuy vậy, năm nay có thể ngày khai trường mang lại cho tôi một chút ý nghĩa nào đó cho bản thân cá nhân tôi.

Như tôi đã nói, đã lâu lắm rồi tôi không còn quan tâm để ý tới ngày khai trường thì giờ đây tôi lại chú ý đến nó bởi lẽ năm nay con tôi bắt đầu vào lớp một. Đối với nhiều người thì đó là "chuyện vặt" vì con đã lớn rồi, đã nhiều lần đưa các cháu đi khai trường thì đó là điều cũng rất bình thường. Nhưng đối với tôi thì đó thực sự là một kỷ niệm (có thể Pác Hiệp Giừ cũng thế vì con Pác cũng bằng tuổi con tôi, nhưng Pác chẳng bao giờ thể hiện tình cảm suy nghĩ của mình qua những dòng chữ trên blog này như tôi), có thể nói là tuổi học sinh là những tháng năm đẹp nhất trong cuộc đời. Nó không tự do thoải mái như sinh viên nhưng cũng không gò bó quá như quân đội (những môi trường mà tôi đã từng được nếm trải qua), đó là những quãng đời không phải quá lo nghĩ "chuyện nhân tình thế thái". Nay nhìn thấy con đến trường mà lòng mình cũng bồi hồi khó tả, cảm thấy như mình vừa mất một cái gì đó không thể nào lấy lại được nữa.

Như tôi đã từng có bài viết về "Ngày đầu tiên đến trường năm ấy" trên blog này, kỷ niệm của tuổi học sinh thì thật là vô cùng và vô bờ bến, vì đây là quãng đời được sống bằng kỷ niệm mà. Lứa tuổi như chúng mình ngày xưa thì cứ mỗi năm lại có một buổi khai trường, tính ra trong mười năm học thì cũng đã có cả chục buổi khai trường rồi (không kể những ai bị "đúp", "lưu ban" thì còn được dự khai trường nhiều hơn người khác). Nhưng trong số đó có thể buổi khai trường đầu tiên khi bước vào lớp 1 thì thật sự là một dấu ấn khó thể phai mờ. Tuy vậy, với tôi cũng không có được buổi khai trường đầu tiên đó vì đó là năm 1972 đi sơ tán về quê, đến năm 1973 học luôn lớp 1 ở đó cho đến hết học kỳ 1 mới chuyển lên Hà Nội học trường Hoàng Diệu (nay là trường Tây Sơn). Ngày xưa trường học sơ tán ở nơi thôn quê còn nghèo khó, hoang tàn, đơn sơ vất vả thì lấy đâu ra trường học quy củ như bây giờ. Thậm chí lớp học của tôi là gian chái của đình làng, vào đầu năm học, khi tôi đủ tuổi thì ông bà tôi cứ ra đăng ký rồi thế là học thôi, làm gì có tổ chức buổi khai trường đâu. Tôi nghĩ lớp chúng ta chắc nhiều người cũng thế thôi vì lũ chúng ta sinh vào thời gian khổ như thế mà!. Một chút gợi nhớ nho nhỏ nào đó về ngày khai trường tôi muốn chia sẻ với các bạn dù nó đã xa vời. Nếu ai có cùng cảm nghĩ như thế xin hãy cùng tôi tiếp nối bài viết nhé....
=======================================

XEM THÊM CÁC ALBUM ẢNH KHÁC TẠI ĐÂY




XEM THÊM CÁC VIDEO KHÁC TẠI ĐÂY


=======================================
Share:

Cô giáo Chủ nhiệm

NHẬN XÉT MỚI ĐĂNG

Bài đăng ngẫu nhiên

LƯỢT XEM