Chiếc nhẫn bằng thép (Truyện sưu tầm)

LTS: Khi còn nhỏ, thời đi học tôi thường nghe chương trình đọc truyện dành cho thiếu nhi phát trên Đài tiếng nói Việt Nam vào lúc 17 giờ (hoặc 17 giờ 30). Thế giới tuổi thơ của tôi đã mở ra từ những truyện đọc mà tôi đã nghe từ dạo ấy. Một trong những chuyện đó là "Chiếc nhẫn bằng thép" qua giọng đọc của chị Tuệ Minh đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó quên. Bây giờ đã cách xa nhiều năm rồi, tôi tình cờ sưu tầm được và giới thiệu để mọi người cùng cảm nhận!.

Truyện ngắn:"CHIẾC NHẪN BẰNG THÉP"

Paustovsky Konstantins

Cụ Kuzma sống với cháu gái Varusa ở làng Môkhôvôje sát tận bìa rừng.

Mùa đông đến thật khắc nghiệt, gió mạnh và tuyết nhiều. Suốt cả mùa đông không có một ngày ấm lên, không có những giọt nước tuyết tan lã chã từ mái nhà gỗ nhỏ xuống. Đêm đến những con chó sói lạnh cóng hú vu vơ. Cụ Kuzma bảo chúng rú vì ghen tị với người: chó sói cũng thèm được sống ở trong nhà, được nằm gãi bên lò sưởi và sưởi ấm bộ lông xù cứng lạnh.

Vào giữa đông, thuốc hút của cụ cạn hết. Cụ ho nhiều, than phiền rằng người không được khỏe và bảo nếu được kéo vài hơi thì người sẽ khá lên ngay.

Chủ nhật, Varusa sang làng Pêreborư bên cạnh kiếm thuốc hút cho ông. Đường sắt chạy qua bên rìa làng. Varusa mua thuốc xong, cho vào cái túi vải hoa buộc lại rồi ra ga xem xe lửa. Ít khi chúng dừng lại ở Pereborư. Hầu như bao giờ chúng cũng chỉ phóng qua với tiếng ầm ầm rin rít.

Có hai chiến sĩ ngồi trên sân ga. Một người để râu có đôi mắt xám vui vẻ. Tiếng còi tàu rúc lên và đã thấy nó tỏa hơi nước mù mịt, phăng phăng lao tới ga từ khu rừng đen sẫm.

- Tàu tốc hành ! - Chú chiến sĩ để râu nói. - Cháu gái coi chừng kẻo tàu nó thổi bay đấy. Khéo lại bay lên trời !

Con tàu trên đà lao vào ga. Tuyết bay tung làm mờ cả mắt. Rồi những bánh xe xình xịch nối nhau chạy tới. Varusa ôm lấy cột đèn và nhắm mắt lại : coi chừng kẻo nó bị cuốn bồng lên khỏi mặt đất và hút theo con tàu thực.

Khi con tàu đã phóng qua, bụi tuyết còn quay cuồng trong không khí rồi đậu xuống đất, chú chiến sĩ có râu hỏi Varusa :

- Túi cháu đựng gì đấy ? Có phải thuốc lá không ?

- Thuốc đấy ạ. - Varusa trả lời.

- Bán cho chú nhé ! Đang thèm hút quá !

- Ông Kuzma cháu không cho bán. - Cô bé nghiêm nghị trả lời. - Cái này chữa ho cho ông cháu.

- Ồ, cái bông hoa đi ủng dạ này, nghiêm quá nhỉ !

- Thế chú cần chừng nào chú cứ lấy, - Varusa nói và chìa cái túi. - Chú hút đi !

Chú chiến sĩ bỏ vào túi ít thuốc lá vụn, cuộn một điếu to hút, rồi lấy tay nâng cằm Varusa vừa cười vừa nhìn vào cặp mắt xanh biếc của cô bé.

- Ôi, bông hoa tử la tết đuôi sam ! Chú biết tặng lại cháu gì bây giờ ? Chả lẽ cái này à ?

Chú chiến sĩ lấy từ trong túi áo khoác chiếc nhẫn nhỏ bằng thép, thổi vụn thuốc và muối bám vào chiếc nhẫn rồi đeo vào ngón tay giữa cho Varusa :

- Cháu đeo cho mạnh giỏi. Chiếc nhẫn này tuyệt lắm. Trông này, sáng bóng nhé !

- Nó tuyệt thế nào hở chú ? - Varusa đỏ mặt lên hỏi.

- Thế này này, - chú bộ đội trả lời, - nếu cháu đeo ở ngón giữa nó sẽ mang lại sức khỏe, cả cho cháu và ông Kuzma. Nếu đeo nó vào ngón này, ngón vô danh, - chú bộ đội kéo ngón tay đỏ ửng giá lạnh của Varusa, - cháu sẽ có niềm vui lớn. Hoặc giả thử cháu muốn xem thế gian này với mọi điều kỳ diệu của nó thì cháu đeo nhẫn vào ngón trỏ. Nhất định cháu sẽ thấy hết.

- Thế ư ? - Varusa hỏi.

- Cháu cứ tin chú ấy, - anh chiến sĩ mặc áo khoác cổ bẻ ngược lên nói. - Chú ấy biết làm phép đấy. Cháu nghe nói vậy chưa ?

- Cháu nghe rồi ạ.

- Thế đấy. - Anh chiến sĩ cười, - Chú ấy là lính công binh kỳ cựu. Đến mìn còn phải kiềng chú ấy đấy.

- Cảm ơn chú, - Varusa nói rồi chạy về làng Mokhôvoje.

Gió cuốn tuyết rơi mù mịt. Varusa cứ sờ vào chiếc nhẫn mãi, xoay đi xoay lại, nhìn nó lấp lánh trong ánh sáng mùa đông.

- Chú bộ đội lại quên không nói đến ngón tay út rồi ! - cô bé nghĩ, - Nếu đeo thì sao ? Mình thử đeo vào ngón út xem nào.

Nó đeo nhẫn vào ngón tay út. Ngón tay gầy gò, chiếc nhẫn lỏng quá nên rơi xuống lớp tuyết dày và biến ngay tận dưới đáy.

Varusa kêu ôi một tiếng rồi lấy tay bới tuyết. Nhưng không thấy chiếc nhẫn. Những ngón tay đã tím ngắt lại, cứng queo vì rét đến nỗi không gập lại được nữa.

Varusa khóc òa. Mất chiếc nhẫn rồi ! Nghĩa là rồi đây ông Kuzma sẽ không khỏe, còn nó sẽ không có niềm vui lớn và không được nhìn thấy thế gian với bao điều kỳ diệu của nó. Varusa cắm một cành thông già xuống tuyết, đúng chỗ chiếc nhẫn rơi và đi về nhà. Nó lấy bao tay chùi nước mắt, nhưng nước mắt cứ trào ra và đông lại làm mắt đau nhức nhối.

Ông Kuzma thấy thuốc về mừng rỡ hút khói ra đầy nhà, còn chuyện chiếc nhẫn ông nói:

- Cháu đừng buồn, con bé ngốc nghếch ạ ! Nó rơi đâu thì vẫn nguyên đấy. Bảo với Xiđơrơ. Nó ắt tìm thấy.

Con sẻ già Xiđơrơ đậu trên chiếc sào đang ngủ, mình tròn như quả bóng nhỏ. Suốt mùa đông Xiđơrơ sống trong nhà ông Kuzma đàng hoàng như chủ nhân. Nó không những bắt Varusa phải nể nó mà cả ông Kuzma nữa. Nó mổ cháo đặc ngay trong bát, còn bánh thì giật lấy từ tay người. Khi người ta xua đuổi nó thì nó phật ý, xù lông ra, bắt đầu gây gổ, kêu ríu rít giận dỗi đến nỗi những con chim sẻ ở gần đấy thấy ồn cũng bay đến, nghe ngóng rồi sau đó bàn cãi ầm ĩ, chê trách Xiđơrơ. Được sống trong nhà, được no ấm mà vẫn cho là còn ít !

Hôm sau Varusa bắt con Xiđơrơ gói vào chiếc khăn tay mang vào rừng. Từ dưới tuyết chỉ nhô lên chút đầu của cành thông. Varusa đặt con sẻ lên cành cây và bảo :

- Tìm đi, cào bới đi ! Có khi mày thấy đấy !

Nhưng Xiđơrơ liếc mắt, nhìn tuyết nghi ngờ và kêu chiêm chiếp :

- Khiếp, khiếp ! Có tìm được thằng ngốc !

- Khiếp, khiếp ! - Xiđơrơ láy lại rồi vù khỏi cành cây bay vào nhà.

Thế là không tìm thấy cái nhẫn.

Ông Kuzma ngày càng ho nhiều hơn. Sang tháng ba cụ leo lên bếp lò nằm, gần như không rời khỏi nơi ấy, và cứ đòi uống nước luôn. Varusa đưa nước lạnh trong gáo sắt cho cụ uống.

Bão tuyết quay cuồng trên xóm nhỏ, phủ lên các mái nhà. Những cây thông ngập tuyết đến ngang đầu gối, và thế là Varusa không thể tìm ra nơi chiếc nhẫn rơi ở trong rừng. Nó thường hay nấp đằng sau bếp lò khóc khe khẽ vì thương ông và trách mình.

- Đồ ăn hại ! - Nó thì thầm, - Nghịch quá để đánh rơi mất chiếc nhẫn. Thật đáng đánh lắm ! Đáng lắm !

Nó tự đấm vào đầu để phạt mình. Cụ Kuzma bèn hỏi :

- Cháu đang cãi nhau với ai đấy ?

- Dạ, với Xiđơrơ, - Varusa trả lời. - Nó không nghe lời. Chỉ muốn gây sự thôi.

Một buổi sáng Varusa thức dậy vì Xiđơrơ nhảy nhót ở bậu cửa sổ mổ mổ vào mặt kính. Varusa mở mắt ra rồi nheo mắt lại. Từ trên mái nhà những hạt nước dài đua nhau chảy xuống. Ánh sáng nóng hổi rọi vào cửa kính. Những con quạ kêu quàng quạc.

Varusa bước ra đường. Gió ấm thổi vào mắt em, làm tóc bay lòa xòa.

- Ô, mùa xuân đến rồi ! Varusa nói.

Những cành cây đen nhấp nhoáng, tuyết ướt lao xao trượt từ trên mái nhà xuống. Rừng ẩm ướt rì rào vui vẻ và trang trọng ở sau làng. Mùa xuân lướt trên đồng ruộng như một bà chủ trẻ tuổi. Nó chỉ vừa nhìn xuống rãnh lạch là đã thấy con suối lấp lánh chảy róc rách. Mùa xuân trải bước và mỗi bước đi làm cho suối reo càng tưng bừng nhộn nhịp hơn.

Tuyết trong rừng đã sẫm lại. Đầu tiên lộ ra những lá thông nâu rơi rụng trong mùa đông. Sau đó là nhiều cành khô - bão đã bẻ gãy từ hồi tháng chạp. Sau đó là đám lá vàng rơi từ năm ngoái rồi đất sạch tuyết nhô lên. Và bên rìa những đống tuyết muộn đã nở những bông hoa khoản đông đầu tiên.

Varusa tìm thấy trong rừng cành thông già - cái cành mà nó đã cắm xuống tuyết nơi đánh rơi chiếc nhẫn, và thận trọng gạt đám lá cũ, những quả thông rỗng do chim gõ kiến vứt bừa bãi, những cành gãy và rêu mục. Dưới một chiếc lá đen lóe lên một đóm sáng. Varusa reo lên, rồi ngồi xuống. - Nó đây rồi, chiếc nhẫn bằng thép ! Nó không gỉ đi chút nào.
Varusa chộp lấy chiếc nhẫn đeo vào ngón tay giữa và chạy về nhà !

Ngay từ xa khi chạy gần tới nhà, nó trông thấy cụ Kazma. Cụ ra khỏi nhà ngồi trên thềm, khói thuốc màu lam tỏa trên người cụ, bốc lên trời tựa như cụ đang ngồi hóng dưới mặt trời mùa xuân và hơi nước đang bay trên người cụ.

- Này cháu ơi, - ông già nói, - cháu cứ như cái chong chóng ấy, ra khỏi nhà quên cả đóng cửa, gió nhẹ thổi ùa vào phòng thế là làm ông hết cả bệnh. Bây giờ ông hút thuốc một lát, rồi lấy cái rìu chẻ ít củi, ta nhóm lò làm một mẻ bánh ăn chơi.

Varusa cười phá lên, vuốt mớ tóc bạc xù xù của ông cụ và bảo :

- Cảm ơn chiếc nhẫn ! Nó đã làm cho ông khỏe đấy, ông ạ.

Cả ngày Varusa đeo chiếc nhẫn ở ngón giữa để làm cho ông được khỏe hẳn. Mãi đến tối khi sửa soạn đi ngủ nó mới tháo chiếc nhẫn ra khỏi ngón giữa và đeo vào ngón vô danh. Sau đó ắt phải có một niềm vui lớn. Nhưng sao nó mãi không đến. Varusa không đợi được nữa ngủ thiếp đi.

Em dậy rất sớm, mặc quần áo, đi ra khỏi nhà.

Ánh dương ấm áp lặng lẽ tỏa trên mặt đất. Ở phía cuối trời còn mấy ngôi sao chưa tắt. Varusa đi về phía rừng. Em dừng lại bên bìa rừng : cái gì kia ngân vang trong rừng như ai đó đang lắc những quả chuông nhỏ ?

Varusa cúi xuống nghe ngóng rồi vung tay mừng rỡ - những bông hoa điểm tuyết trắng rung rinh chào đón bình minh, mỗi bông đều ngân nga như trong đó có một con bọ dừa đang đập chân vào mạng nhên bằng bạc. Trên ngọn thông con gõ kiến gõ năm tiếng.

“Năm giờ ! - Varusa nghĩ. - Sớm quá ! Yên tĩnh quá !”

Ngay lúc đó trên cành cao, con vàng anh - con chim Lửa của chúng ta - cất tiếng hót.

Varusa đứng nghe, miệng mỉm cười. Một làn gió ấm hiền hòa thổi ào vào người nó, bên cạnh có cái gì xào xạc. Rừng rung động, từ những chùm hoa bồ đào phấn vàng rơi xuống. Ai đó vô hình thận trọng rẽ cành cây đi lướt qua Varusa. Phía trước con chim cu cất tiếng gáy chào mừng người ấy.

“ Ai vừa đi qua nhỉ ? Thế mà mình không nhìn thấy”. - Varusa nghĩ.

Em không biết rằng mùa xuân vừa đi qua.

Varusa cười rộ vang cả khu rừng và chạy về nhà. Và một niềm vui lớn - lớn không thể ôm xuể được - rộn ràng reo vui trong lòng em.

Mùa xuân mỗi ngày một bừng sáng tươi vui và rực rỡ hơn. Bầu trời chan hòa ánh sáng khiến mắt cụ Kuzma nheo lại mà vẫn luôn luôn tươi. Rồi liền đó muôn ngàn đóa hoa nở rộ trong rừng, trên đồng cỏ và các khe mương như có ai rắc lên đó một thứ nước thần.

Varusa định đeo chiếc nhẫn sang ngón trỏ để được nhìn thế giới với bao điều kỳ diệu của nó, nhưng nhìn những bông hoa ấy, những nõn lộc cây bạch dương, bầu trời trong vắt và ánh nắng ấm áp, nghe gà gáy, nước róc rách và chim hót véo von ngoài đồng, em không đeo nhẫn vào ngón trỏ nữa.

“Mình còn kịp, - em nghĩ. - Không ở đâu trên thế gian có thể đẹp bằng làng Môkhôvôje của mình. Thật là tuyệt vời ! Không phải vô cớ ông Kuzma bảo rằng quê mình là thiên đường thực sự và chẳng còn mảnh đất nào tuyệt vời như vậy trên trái đất này”.
Share:

Bất chợt tiếng ve

Ảnh minh họa: Ve "lột xác"

Buổi trưa hè của một hôm nào đó, bất chợt dội về tiếng ve râm ran. Tôi lặng yên lắng nghe và cảm nhận rằng tiếng ve bây giờ không còn rộn rã như tiếng ve ngày xưa. Có thể thành phố hôm nay không còn bình yên lặng lẽ như trước, tiếng xe cộ hối hả phần nào làm át đi tiếng ve kêu. Những buổi trưa hè như thế không còn tồn tại trong thành phố lặng yên hoài cổ của ngày xưa. Nhưng dù sao tiếng ve kia cũng báo hiệu hè về, một trời đầy nắng ngập tràn đang phủ trên những tán hoa phượng vĩ. Bất chợt trí nhớ tôi tự nhiên hiện về mấy câu thơ trong một bài thơ mà tôi đã "vu vơ" chép lại trong sổ tay của Hiệp Ma từ thủa xa xưa lắm:

Em yêu ạ! Hạ về rồi đó
Trong sân trường có thấy phượng trổ bông
Nắng tháng Tư có làm má em hồng...


Nắng, phượng và ve luôn đem lại những kỷ niệm không quên của tuổi học trò. Tôi của ngày xưa cũng như bao học trò khác, cũng trèo phượng, bắt ve giữa trưa hè nắng lửa. Thủa trước chúng tôi thường lấy "nhựa kếp" (một dạng cao su non) đem ngâm với xăng rồi quấn vào đầu một chiếc gậy dài để dính bắt ve. Một kiếp ve sầu trên cây kêu ra rả thật ngắn ngủi chẳng bao ngày nhưng chúng tôi vẫn thích đi bắt chúng đem về để chơi, bóp nhẹ vào người ve cho nó kêu những tiếng kêu đơn độc. Một con ve không thể làm nên mùa hè.

Nhắc lại chuyện bắt ve sầu tôi không thể không nói tới việc ôn học của chúng tôi hồi trước ấy. Cái thời tiết kiệm điện nhà, tắt đèn và cắp manh chiếu đem trải dưới chân cột đèn đường để mà ngồi học vẹt. Đầu thập kỷ 80 về trước đường, phố về đêm yên tĩnh lắm, khoảng 11 giờ tối hầu như không có bóng người qua lại, xe đạp còn hiếm chứ đừng nói đến xe máy chạy ầm ầm suốt đêm như bây giờ. Họa hoằn mới có một người bán xôi bánh khúc rao đêm. Đến mùa ôn thi, cứ như thường lệ khoảng hơn 10 giờ đêm, chúng tôi lại cắp chiếc chiếu một vào nách, cầm vài quyển sách đến nhà nhau huýt sáo làm ám hiệu để rủ nhau ra đầu phố học bài. Thằng nào đi sớm thì đến rủ thằng khác. Hồi ấy chủ yếu chúng tôi ngồi ở mấy cột đèn trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ, được một lúc học bài thấy buồn buồn thì lại rủ nhau ra mấy cột điện ngoài phố gần nhà máy Dệt kim Đông xuân để ngồi. Nghĩ lại thấy cũng thật buồn cười, ngày xưa như thế chắc chỉ có vài đứa tụi tôi thôi. Như vạc đi ăn đêm vậy. Học thấy chán lại rủ nhau đá bóng bằng quả bóng nhựa vằn xanh, vằn đỏ mà bây giờ người ta cho từng đống vào trong "nhà bóng" ở các khu vui chơi. Lấy lỗ cống ngã tư là 'gôn", đá bóng chán rồi ra vòi nước công cộng tu một hồi rồi lại rủ nhau đi bắt ve non. Chả trách học vào đầu có được bao nhiêu đâu.

Ngày ấy, học đêm ngoài đường vào mùa hè mà không đi bắt ve thì không còn gì là thú vị. Vào khoảng nửa đêm, những chú ve non mới bắt đầu bò lên bám vào lưng thân cây để "thoát xác", khi cánh đã khô, thân cứng cáp thì chúng bò lên cành cây cao hút nhựa và ca hát. Các chú ve khi cánh còn ướt vừa ra khỏi vỏ đã bị chúng tôi "bắt sống" rồi, thậm chí nhiều chú còn loay hoay chưa kịp thoát ra khỏi "xác", trên lưng vỏ mới chỉ xuất hiện vết nứt cũng đã bị tóm. Chỗ có nhiều ve nhất mà chúng tôi hay bắt là vườn hoa Pát - tơ đầu phố Nguyễn Công Trứ, có đêm chúng tôi bắt được hai túi nilon to tướng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy có bọn khác đi soi bắt ve non, chúng nó thường dùng "đuốc" để soi gốc cây tìm ve, "đuốc" ở đây là một đoạn lốp xe đạp hỏng đốt cháy mùi khét lẹt. Thương thay cho những số phận "hẩm hiu" của mấy chú ve non. Cả một đời con ve chưa kịp cất tiếng kêu đã bị người ta cầm ngang lưng bắt bỏ vào túi rồi. Ve non để trong túi nilon cánh mỏng còn ướt nên bết vào nhau, con nọ dính lẫn lộn với con kia thành từng búi, không bay được. Ve bắt được nhiều như thế, nhưng chúng tôi đem về bỏ đấy có làm gì đâu. Cuối cùng lại đem ra để làm mồi nuôi gà. Ngày xưa thời bao cấp, nhà nào chẳng nuôi thêm vài con gà để tận dụng cơm nguội. Chúng tôi phung phí thời gian như thế đấy, tiêu tốn thời gian vào những việc vô bổ không đâu vào đâu. Hồi ấy không nghĩ thời gian quý đến thế.

Mùa hạ sẽ buồn nếu không có tiếng ve kêu. Đến tận sau này xem trên chương trình VTV2 tôi mới biết để có một quãng đời ve sầu ngắn ngủi kêu ran trên ngọn cây trong mấy ngày hè, ấu trùng ve đã được đẻ trong lòng đất từ 27 năm về trước. Một quãng đời bằng khoảng thời gian kể từ khi chúng tôi ra khỏi trường Quỳnh Mai cho đến bây giờ.

Hôm nay, bỗng nghe thấy tiếng ve kêu. Tôi lại nghĩ lan man, không biết học sinh ngày nay khi nghe tiếng ve kêu có cảm nhận giống như mình hồi trước không. Tôi không chắc lắm, nhưng một điều chắc chắn là bây giờ không có ai buổi tối rủ nhau ra đường trải chiếu dưới cột đèn đêm để học bài như chúng tôi ngày xưa nữa. Và cũng chẳng ai còn thú dính bắt ve, soi ve non mang về để nghịch chơi làm gì. Tôi lại đang lắng nghe tiếng ve kêu ran, có thể trong số những chú ve đang kêu kia, có nhiều chú được xuất thân từ ấu trùng đã được sinh ra 27 năm về trước. Cái năm mà đêm đêm tôi còn cùng lũ bạn cắp chiếu ra đầu đường để học thuộc lòng những môn học vẹt, lẩm nhẩm đọc bài nghe ra rả chẳng khác gì như ra rả tiếng ve kêu. Lòng tôi bỗng xốn xang khó tả. Ve ơi!

--------------------------------------------

Ghi chú: Một số tài liệu khác tôi sưu tầm được lại ghi là ấu trùng ve ở trong lòng đất là 17 năm (dù sao bài viết trên đây dẫn chứng có thể không chính xác, mong các bạn thông cảm)
Share:

Sau lưng mùa hạ cũ (thơ sưu tầm)

LTS: Đã lâu lắm rồi, tôi không lang thang vào mạng để tìm kiếm những trang thơ. Một hôm tôi bỗng dưng dừng lại ở trang Bình luận văn học Người Hà Nội và bắt gặp bài thơ "SAU LƯNG MÙA HẠ CŨ" của nhà thơ Trương Nam Hương, một nhà thơ có nhiều bài tôi mà tôi dành nhiều tình cảm yêu mến. Bài thơ này đối với tôi thật hay và gợi trong tôi nhiều hoài niệm cũ. Qua lời bình của bạn sonvan05 & motminh trên diễn đàn của trang website trên tôi thấy mình như cũng có một mối đồng cảm thực sự với những cảm nghĩ thế này. Tôi có thể là một người vụng về, không nói được cảm nghĩ lòng mình, nhưng cảm nhận của tôi với bài thơ này thật vô cùng sâu lắng với hoài niệm bâng khuâng. Tôi mong muốn chia sẻ cảm nhận này cùng các bạn.

SAU LƯNG MÙA HẠ CŨ

Tác giả: Trương Nam Hương

Và lại đến cái mùa phượng đỏ
Kỉ niệm xưa chìm khuất ở nơi nào
Tiếng ve vỡ ra trăm nghìn mảnh nhớ
Em không về nhận mặt tháng năm sao?

Dành cả đấy cho em- dành cả đấy
Anh gom mây ngũ sắc bọc thơ tình
Em nhón gót cho thời gian tụ lại
Tay học trò giọt hạ rớt lem xanh

Dành cả đấy cho em - dành cả đấy
Nguyên cơn mưa không thiếu hạt nào
Nắng mùa hạ trong veo nhìn thấy đáy
Nở phập phồng bóng nước tán me chao

Dành cả đấy cho em- dành cả đấy
Mượn thời gian hăm mốt tuổi, anh đền
Để mùa hạ nắng mưa là trai gái
Phượng cũng từng hồi hộp lúc kêu tên

Và lại nhớ vòm trời hoa phượng vĩ
Khép rưng rưng mùa hạ giữa tay cầm
Cửa lớp mở với một người trong đó
Vẽ lên bàn và hát những lời câm...

Ai bảo nhớ, bảo dành cho em hết
Anh tìm em mắt cứ ngóng lên trời
Câu thơ viết tan vào mây ngũ sắc
Cuối sân trường vô vọng xác ve rơi !

(Sưu tầm)


Lời bình của sonvan05 (ĐHKHXH&NV HÀ NỘI):

Đọc những câu thơ của Trương Nam Hương trong bài “sau lưng mùa hạ cũ”, tôi cứ mường tượng đến những câu thơ bất hủ trong “chiếc lá đầu tiên” của Hoàng Nhuận Cầm. Cũng là mượn một đoạn thời gian để nhớ về một quãng thời gian, mượn một chút thực tại để nói rất nhiều về quá khứ, mượn một mùa trời để nói về một phần đời con người. Đó có lẽ cũng là cách đi được nhiều người sử dụng để diễn tả những quãng thời gian đã qua đi không thể trở lại.
Quãng thời gian gắn với tuổi học trò và sân trường tuổi thơ, có lẽ với bất kỳ ai, cũng là một miền ký ức khó quên nhất, trong veo thơ mộng mà ám ảnh nhất. Cái thời không còn trẻ con nhưng cũng chưa kịp thành người lớn, thời mà tất cả cảm xúc không dám thốt thành lời, chỉ “vẽ lên bàn và hát những lời câm” ấy thật đẹp, thật đáng nhớ. Cho nên trở về với thời gian ấy có lẽ là một phương thức hiệu quả để có thể sống với quá khứ êm đềm và ngào ngọt của tuổi thơ. Tuy nhiên, nói về quãng đời đẹp đẽ ấy mà không phải kể lể, liệt kê một cách cứng nhắc thì không phải ai cũng làm được.
Trong bài thơ này, nhà thơ Trương Nam Hương và nhân vật trữ tình Trương Nam Hương đã tách thành hai. Nhân vật trữ tình đang trở về quá khứ với những hoài niệm tuổi thơ giữa mùa hè thực tại! Và tất cả những ký ức về “em”, về tuổi thơ với sân trường ngập đầy phượng vĩ năm nào lại ùa về. Ký ức lần lượt xuất hiện trong các khổ thơ, theo những trình tự, lớp lang khá logic.
Mới đọc, tưởng rằng nhân vật trữ tình “anh” là một người hào phóng! Hào phóng trong tình cảm, trong nhận thức và trong trí nhớ khi câu thơ “dành cả đấy cho em – dành cả đấy” cứ lặp đi lặp lại như một sự mời mọc, một sự khẳng định. Thực ra đọc kỹ hơn một chút, ta mới thấy nhân vật trữ tình là một chàng trai tham lam! Anh tham lam với kỷ niệm, than lam với quá khứ, và, có thể, tham lam lam với chính cảm xúc của mình!
Cái tham lam của chàng trai đã bộc lộ ngay ở khổ thơ đầu tiên. Hãy đọc câu hỏi đầu tiên trong khổ thơ thứ nhất: “Em không về nhận mặt tháng năm sao?”, nghe qua có vẻ như là một câu mong ngóng nhưng ngẫm sâu hơn một chút ta lại thấy nó giống với một câu trách móc hơn là một câu than thở! Tại sao em chưa về nhận mặt kỷ niệm khi mà phượng đã ngợp trời thương nhớ, tiếng ve đã vỡ òa cùng với vùng ký ức tuổi thơ sống dậy tràn trề. Trong khổ này, tôi hiểu ý chàng trai là: Sao em để anh một mình giữa ngập tràn không gian ký ức, để anh bơ vơ giữa rất nhiều kỷ niệm thế này?
Và từ cái câu hỏi tham lam ấy, một loạt các kỷ niệm được “anh” liệt kê ra như là kể lể với “em”, cứ như là để đếm và sống với từng kỷ niệm vậy!
Trong loạt liệt kê này, câu thơ được điệp lại lại là mấu chốt cho việc tôi khẳng định anh tham lam! Thực ra “dành cả đấy cho em” chỉ là một cái cớ để cho nỗi nhớ thêm “khách quan” chứ dành cả đấy cho em chỉ là để anh nhớ về tất cả mà thôi! Chính cái nỗi nhớ tham lam của anh đã được cái khách quan “dành cả đấy cho em – dành cả đấy” bao bọc cho một cách tinh tế!
Thường khi nói đến những gì thuộc về quá khứ, nhất là những quá khứ ngọt ngào và êm đẹp, và đặc biệt là nỗi nhớ, tâm hồn người ta rất tham lam, cứ muốn cuốn tất cả trở về để sống trọn vẹn trong miền nhớ ấy. Âu đó cũng là quy luật của tâm hồn con người. Những gì đã là không thể thì càng khiến cho người ta khao khát, ước vọng.
Hãy xem cái quá khứ tuổi thơ ngọt ngào và êm đềm của Trương Nam Hương đã thẩm thấu vào thiên nhiên: Tiếng ve thì “vỡ ra trăm nghìn mảnh nhớ”, bóng nước tán me thì “nở phập phồng”, phượng thì “hồi hộp”, hoa phượng thì “rưng rưng”… tất cả đều mang tâm trạng (mà thực ra là tâm trạng của “anh”). Thành thử, nỗi nhớ của “anh” bỗng chốc trở thành một trời thương nhớ!
Tôi đặc biệt thích khổ thơ cuối của bài thơ này. Hãy cùng đọc lại:
“Ai bảo nhớ, bảo giành cho em hết
Anh tìm em, mắt cứ ngóng lên trời
Câu thơ viết, tan vào mây ngũ sắc
Cuối sân trường vô vọng xác ve rơi!”
Ngay câu đầu khổ thơ tác giả đã trách mình. Từ trách em chuyển sang trách mình là một biểu hiện mang tính lý trí của nỗi nhớ. Và có thể, câu thơ này chính là dấu hiệu báo hiệu cho sự thức tỉnh sau một trời đam mê, một trời nhung nhớ của “anh”. Cái miền quá khứ ấy đã tan vào mây ngũ sắc, tan vào cái không gian mênh mông và “vô vọng” cuối bài thơ. Và câu kết chính là kết quả của sự thức tỉnh. Chỉ có sự thức tỉnh mới có thể có được câu thơ ấy sau 5 khổ thơ miên man trong vùng trời quá khứ. Sự thức tỉnh đấy có thể là một nỗi đau như quy luật của nỗi nhớ không bờ bấu víu.
Nhưng tôi tin, nỗi đau ấy, sự thức tỉnh ấy, và cả cái vùng trời quá khứ ấy là một miền đẹp. Bài thơ “sau lưng mùa hạ cũ”, vì thế, cũng là một bài thơ đẹp với những câu thơ đẹp đến nao lòng!
Share:

Họp lớp 20 năm tốt nghiệp PTTH - Chuyện giờ mới kể - (Kỳ 3: Họp chợ) End

Ngày 23/3/2003, ngày định mệnh cũng đến. Tôi thấy lo lo vì trời mưa tầm tã. Liệu bọn chúng có đến không nhỉ??? Trời mưa như thế này, lại lâu lắm chả gặp nhau nên mối liên hệ cũng lỏng lẻo, không chừng bọn chúng ngại mưa gió mà ngồi nhà thì đúng là toi công. Sau bao nhiêu cuộc khẩu chiến nảy lửa mới chốt được cái ngày này mà sao ông trời lại nỡ bất công dữ vậy. Thoáng trong đầu tôi một ý nghĩ là có lẽ từ lần sau phải cử người đi nhờ thầy bói phán cho đúng ngày đẹp mới được. Như thế vừa đỡ tốn hơi cãi nhau mà vẫn có ngày chuẩn, lại vừa có chỗ để đổ thừa trong trường hợp mọi người không thích ngày được chọn, heeeeeeee.

Mấy đứa nhóm bọn tôi (tôi, Vân Bằng, Hồng Li-pít) thêm cả Vân béo hẹn nhau trước cổng nhà tôi để đi. Trời mưa quá, vẫy mỏi cả tay chả được cái taxi nào, sốt hết cả ruột (toàn bọn chân ngắn váy dài cả nên không anh taxi nào thèm ga-lăng đuổi khách xuống để đón lên, hic..). Mãi rồi cũng alô được cho thằng em đích thân lái xe đến đón, vậy là cuối cùng cũng xuất phát được.

Hồi hộp quá, không biết có ai đến không nhỉ và sau bao năm không gặp bây giờ bắt đầu nói chuyện với nhau thế nào đây??? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập trong đầu tôi trên đường đi. Rồi cũng đến nơi. Vừa mở cửa xe đã nghe tiếng láo xáo trên tầng hai của Phương Nguyên quán (hồi đó chưa được cải tạo thành cái tàu Titanic như bây giờ). Lố nhố đã có người đến, cả nam và nữ nhưng giờ tôi cũng không nhớ chính xác là những bạn nào nữa. Bọn chúng reo, bọn chúng hét rồi vồ lấy nhau và trong lúc chờ thêm người đến, bọn chúng buôn dưa lê những gi gỉ gì gi mà nghe chẳng nổi vì đứa nào cũng nói, chả có đứa nào ngồi im để nghe như tôi cả. Nào xem những ai đây nhỉ…. ùi ùi, bác nào tóc bạc bụng to thế kia? Ồ, té ra là Minh Thanh huớ. Chết thật, ngày trước hắn nằm trong nhóm chim ri, be bé ở lớp thế mà giờ trông thật ra dáng, đúng tuýp người bụng to đầu hói (xori, đầu bạc, chưa kịp hói) nói ề à. Nếu gặp hắn ngoài đường thì chắc chắn không dám xưng hô cậu cậu tớ tớ. Nhưng tuy trông mặt ra dáng người nhớn thế thôi chứ Minh vẫn chưa trưởng thành (heeeeeee, thời điểm đó hắn vẫn chưa có cô nào nâng khăn móc túi cả). Rồi ló ra một khuôn mặt đầy ngoặc đơn ngoặc kép với cái mồm ngoác đến tận mang tai, ái chà chà…. đích thị Cường cười. Cao lớn, rắn rỏi, già dặn nhưng nụ cười thì vưỡn thía, không khác thủa học trò, chỉ thêm lên mấy cái ngoặc nữa mà thôi.

Mải mê nói chuyện, cả lớp chẳng mấy đứa ăn, chỉ toàn uống và chúc tụng. Vẫn cái cách nói chuyện thia lia, láu táu của Nam máy (giờ tôi gọi hắn là Nam mèo máy), cái vẻ thâm trầm của Lam tàu, kiểu gật gù của Hiệp già, rồi thêm cái điệu bộ nịnh đầm của Nam cò (ha ha ha, thằng cha này chắc con cú lắm đây). Khác nhất về tính cách là Thắng Pôn-pốt. Thủa đi học, hắn dễ bị con gái bắt nạt, rụt rè và ít khi đưa ra quyết định, thế mà giờ đây hắn nói to, động tác dứt khoát (chắc do được rèn giũa trong môi trường quân đội). Bọn con gái thì có vẻ trầm hơn, không nổ như hội con trai và cũng không thay đổi nhiều so với hội con trai. Giờ đây Hằng Chí lại có vẻ mi-nhon và trẻ nhất hội, còn những người khác thì tuy có già hơn nhưng cũng không thay đổi nhiều về hình dáng.

Mặc dù rất hùng dũng và dứt khoát nhưng Thắng Pôn-pốt vẫn không thể chuyển tải được những nội dung mà cả nhóm đã bàn bạc để đưa ra lấy ý kiến tại buổi họp lớp. Tất cả cứ ào ào, thấy người khác hô đồng ý cũng hô theo, thấy giơ tay cũng giơ theo, cốt tranh thủ thời gian để tranh suất phát biểu và chạm cốc. Chỉ khổ bọn con gái, uống thì không uống được mà vẫn phải giơ cốc lên, nói chuyện thì không nghe được cho dù ghé sát vào tai nhau để nói. Cuối cùng là mạnh ai người nấy nói mà chẳng cần quan tâm là có ai nghe mình nói hay không (bọn chúng vui quá mà, có dịp được xả hơi). Không khí như một cái chợ không người kiểm soát. Đúc kết lại thì cái thành công duy nhất của buổi họp chợ này là thu thập được thông tin cá nhân của các thành viên tham dự, rồi phô-tô phát cho từng người giữ.

Sau đó, chúng tôi cũng ngồi lại với nhau để rút kinh nghiệm. Nói chung là mọi việc đã xảy ra ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi nhưng có cái gì toàn mỹ đâu nhỉ. Điều quan trọng nhất an ủi chúng tôi là tất cả các bạn đã rất vui (nếu không muốn nói là quá vui) khi gặp nhau. Cho dù mọi việc xảy ra không theo dự kiến nhưng bù lại là niềm hân hoan, sự nhiệt tình của các bạn khi gặp mặt đã tiếp sức cho chúng tôi trong việc kết nối và tiếp tục duy trì các buổi họp lớp sau này.
Các bạn thân mến! Trong lúc suy nghĩ bối rối không tránh khỏi sơ suất, nếu những lời tự sự của tôi có làm bạn nào phật ý thì cũng xin được lượng thứ…. Thú thật là tôi vừa đi Metro, mua được gia vị giá bán buôn nên cũng hơi quá tay khi nêm vào bài viết. Và tất cả những điều tôi viết ra đây là sự thật 100% (trừ đi 90%), tin hay không tin xin dành quyền cho các bạn tự quyết định.

Thân mến
Hà Ron
=======================================

XEM THÊM CÁC ALBUM ẢNH KHÁC TẠI ĐÂY




XEM THÊM CÁC VIDEO KHÁC TẠI ĐÂY


=======================================
Share:

Cô giáo Chủ nhiệm

NHẬN XÉT MỚI ĐĂNG

Bài đăng ngẫu nhiên

LƯỢT XEM