Bất chợt tiếng ve

Ảnh minh họa: Ve "lột xác"

Buổi trưa hè của một hôm nào đó, bất chợt dội về tiếng ve râm ran. Tôi lặng yên lắng nghe và cảm nhận rằng tiếng ve bây giờ không còn rộn rã như tiếng ve ngày xưa. Có thể thành phố hôm nay không còn bình yên lặng lẽ như trước, tiếng xe cộ hối hả phần nào làm át đi tiếng ve kêu. Những buổi trưa hè như thế không còn tồn tại trong thành phố lặng yên hoài cổ của ngày xưa. Nhưng dù sao tiếng ve kia cũng báo hiệu hè về, một trời đầy nắng ngập tràn đang phủ trên những tán hoa phượng vĩ. Bất chợt trí nhớ tôi tự nhiên hiện về mấy câu thơ trong một bài thơ mà tôi đã "vu vơ" chép lại trong sổ tay của Hiệp Ma từ thủa xa xưa lắm:

Em yêu ạ! Hạ về rồi đó
Trong sân trường có thấy phượng trổ bông
Nắng tháng Tư có làm má em hồng...


Nắng, phượng và ve luôn đem lại những kỷ niệm không quên của tuổi học trò. Tôi của ngày xưa cũng như bao học trò khác, cũng trèo phượng, bắt ve giữa trưa hè nắng lửa. Thủa trước chúng tôi thường lấy "nhựa kếp" (một dạng cao su non) đem ngâm với xăng rồi quấn vào đầu một chiếc gậy dài để dính bắt ve. Một kiếp ve sầu trên cây kêu ra rả thật ngắn ngủi chẳng bao ngày nhưng chúng tôi vẫn thích đi bắt chúng đem về để chơi, bóp nhẹ vào người ve cho nó kêu những tiếng kêu đơn độc. Một con ve không thể làm nên mùa hè.

Nhắc lại chuyện bắt ve sầu tôi không thể không nói tới việc ôn học của chúng tôi hồi trước ấy. Cái thời tiết kiệm điện nhà, tắt đèn và cắp manh chiếu đem trải dưới chân cột đèn đường để mà ngồi học vẹt. Đầu thập kỷ 80 về trước đường, phố về đêm yên tĩnh lắm, khoảng 11 giờ tối hầu như không có bóng người qua lại, xe đạp còn hiếm chứ đừng nói đến xe máy chạy ầm ầm suốt đêm như bây giờ. Họa hoằn mới có một người bán xôi bánh khúc rao đêm. Đến mùa ôn thi, cứ như thường lệ khoảng hơn 10 giờ đêm, chúng tôi lại cắp chiếc chiếu một vào nách, cầm vài quyển sách đến nhà nhau huýt sáo làm ám hiệu để rủ nhau ra đầu phố học bài. Thằng nào đi sớm thì đến rủ thằng khác. Hồi ấy chủ yếu chúng tôi ngồi ở mấy cột đèn trong khu tập thể Nguyễn Công Trứ, được một lúc học bài thấy buồn buồn thì lại rủ nhau ra mấy cột điện ngoài phố gần nhà máy Dệt kim Đông xuân để ngồi. Nghĩ lại thấy cũng thật buồn cười, ngày xưa như thế chắc chỉ có vài đứa tụi tôi thôi. Như vạc đi ăn đêm vậy. Học thấy chán lại rủ nhau đá bóng bằng quả bóng nhựa vằn xanh, vằn đỏ mà bây giờ người ta cho từng đống vào trong "nhà bóng" ở các khu vui chơi. Lấy lỗ cống ngã tư là 'gôn", đá bóng chán rồi ra vòi nước công cộng tu một hồi rồi lại rủ nhau đi bắt ve non. Chả trách học vào đầu có được bao nhiêu đâu.

Ngày ấy, học đêm ngoài đường vào mùa hè mà không đi bắt ve thì không còn gì là thú vị. Vào khoảng nửa đêm, những chú ve non mới bắt đầu bò lên bám vào lưng thân cây để "thoát xác", khi cánh đã khô, thân cứng cáp thì chúng bò lên cành cây cao hút nhựa và ca hát. Các chú ve khi cánh còn ướt vừa ra khỏi vỏ đã bị chúng tôi "bắt sống" rồi, thậm chí nhiều chú còn loay hoay chưa kịp thoát ra khỏi "xác", trên lưng vỏ mới chỉ xuất hiện vết nứt cũng đã bị tóm. Chỗ có nhiều ve nhất mà chúng tôi hay bắt là vườn hoa Pát - tơ đầu phố Nguyễn Công Trứ, có đêm chúng tôi bắt được hai túi nilon to tướng. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng thấy có bọn khác đi soi bắt ve non, chúng nó thường dùng "đuốc" để soi gốc cây tìm ve, "đuốc" ở đây là một đoạn lốp xe đạp hỏng đốt cháy mùi khét lẹt. Thương thay cho những số phận "hẩm hiu" của mấy chú ve non. Cả một đời con ve chưa kịp cất tiếng kêu đã bị người ta cầm ngang lưng bắt bỏ vào túi rồi. Ve non để trong túi nilon cánh mỏng còn ướt nên bết vào nhau, con nọ dính lẫn lộn với con kia thành từng búi, không bay được. Ve bắt được nhiều như thế, nhưng chúng tôi đem về bỏ đấy có làm gì đâu. Cuối cùng lại đem ra để làm mồi nuôi gà. Ngày xưa thời bao cấp, nhà nào chẳng nuôi thêm vài con gà để tận dụng cơm nguội. Chúng tôi phung phí thời gian như thế đấy, tiêu tốn thời gian vào những việc vô bổ không đâu vào đâu. Hồi ấy không nghĩ thời gian quý đến thế.

Mùa hạ sẽ buồn nếu không có tiếng ve kêu. Đến tận sau này xem trên chương trình VTV2 tôi mới biết để có một quãng đời ve sầu ngắn ngủi kêu ran trên ngọn cây trong mấy ngày hè, ấu trùng ve đã được đẻ trong lòng đất từ 27 năm về trước. Một quãng đời bằng khoảng thời gian kể từ khi chúng tôi ra khỏi trường Quỳnh Mai cho đến bây giờ.

Hôm nay, bỗng nghe thấy tiếng ve kêu. Tôi lại nghĩ lan man, không biết học sinh ngày nay khi nghe tiếng ve kêu có cảm nhận giống như mình hồi trước không. Tôi không chắc lắm, nhưng một điều chắc chắn là bây giờ không có ai buổi tối rủ nhau ra đường trải chiếu dưới cột đèn đêm để học bài như chúng tôi ngày xưa nữa. Và cũng chẳng ai còn thú dính bắt ve, soi ve non mang về để nghịch chơi làm gì. Tôi lại đang lắng nghe tiếng ve kêu ran, có thể trong số những chú ve đang kêu kia, có nhiều chú được xuất thân từ ấu trùng đã được sinh ra 27 năm về trước. Cái năm mà đêm đêm tôi còn cùng lũ bạn cắp chiếu ra đầu đường để học thuộc lòng những môn học vẹt, lẩm nhẩm đọc bài nghe ra rả chẳng khác gì như ra rả tiếng ve kêu. Lòng tôi bỗng xốn xang khó tả. Ve ơi!

--------------------------------------------

Ghi chú: Một số tài liệu khác tôi sưu tầm được lại ghi là ấu trùng ve ở trong lòng đất là 17 năm (dù sao bài viết trên đây dẫn chứng có thể không chính xác, mong các bạn thông cảm)
Share:

4 nhận xét:

  1. Nam cò ơi, đọc bài của bạn tự dưng thấy lòng bâng khuâng khó tả. Có lẽ chúng mình bước sang tuổi hồi tưởng về quá khứ rồi đấy.... Tuổi trẻ nghĩ đến tương lai, tuổi già nhớ về quá khứ mà. Cái thủa của chúng mình có đồ chơi đâu, nên toàn chơi ve, cánh cam, bọ dừa và cả bọ xít nữa.... Hồi đó, được cho một con bọ xít nhãn, dính bằng nhựa mít vào một mảnh gỗ có bánh xe bên dưới là mừng húm (trò chơi độc mà), rồi cả lũ xúm xít, đập, thổi cho nó vỗ cánh để bánh xe chạy. Trẻ con bây giờ toàn đồ chơi đẹp, ô tô có điều khiển nên làm sao biết được ngày xưa mình chơi ô tô bọ xít nhỉ. Mà nếu không chơi đồ chơi thì chúng nó vào mạng để chơi game online chứ làm gì có thời gian dành cho việc lang thang, rủ nhau dậy sớm đi soi ve. Nhưng dù sao chúng mình vẫn có quyền tự hào vì là thế hệ cuối cùng có những trò chơi mà kể ra thì bọn trẻ phải tròn mắt ngạc nhiên, đúng không?. Cảm ơn Nam có nhiều lắm, những lời tự sự của bạn thật xúc động và những đóng góp cần mẫn của bạn trong việc hoàn thiện trang blog này thật đáng quý. Tớ hứa là hôm nào rảnh rỗi sẽ chiêu đãi cậu một chầu càphê, đừng từ chối nhé. Thân mến.

    Trả lờiXóa
  2. Từ chối cà phê của Hà Ron thì không rồi, còn hôm nào đó thì thật là một vấn đề cần suy nghĩ vì chúng mình có mấy khi rảnh rỗi đâu. Nhưng dù sao đi nữa thì chúng mình cũng phải có lúc gặp nhau chứ. Comment của cậu làm tớ nhớ lại những kỷ niệm khó quên ngày xưa khi chúng tớ ra công viên Thống Nhất (bây giờ gọi là công viên Lê Nin) để trèo cây nhãn bắt bọ xít, sau đó lấy nhựa đường để gắn vào mẩu lá dừa con con, rồi đập nhẹ để cho nó vỗ cánh bay là là trên mặt đất như lướt ván ấy. Rồi còn nhiều trò nữa, tớ sẽ hồi tưởng dần và ghi ra đây. Cám ơn sự động viên của cậu. Cậu nhớ viết bài nào đó đi, tớ cũng sẽ động viên lại và mời cậu đi uống cafe nhé. Coi như lại quả mà. Chúc may mắn.

    Trả lờiXóa
  3. Hay, đọc mà nhớ hồi năm 1974 bọn mình cũng học đêm dưới ngọn đèn đường. Học thì ít mà lang thang thì nhiều. Nhắc lại mới nhớ những buổi tối đá bóng ở ngã tư đường phố, lấy cửa cống làm gôn và thường chia làm 3 đội, đá thua ra được vào.

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã ghé thăm và đọc bài viết này trên blog của chúng tôi!. Bạn có thể để lại lời nhận xét (comment) của mình cho bài viết này! Làm ơn viết lịch sự và dùng tiếng Việt có dấu. Hy vọng bạn thích
blog này và hãy đánh dấu địa chỉ blog để bạn có thể ghé thăm lại.

Mọi góp ý xin gửi về email: quynhmai12b83@gmail.com hoặc lenam12b@gmail.com


Cô giáo Chủ nhiệm

NHẬN XÉT MỚI ĐĂNG

Bài đăng ngẫu nhiên

LƯỢT XEM