2. Lan man kỷ niệm (tôi và các bạn)

Xem bài cũ:
- Nhớ lại các nick name thuở nào
- 1. Lan man kỷ niệm (thầy cô giáo)


Không thấy có bạn nào trong lớp bổ sung gì cho những kỷ niệm của lớp chúng ta, tôi lại xin mạn phép ghi tiếp lại những gì mình còn sót lại trong trí nhớ già nua và lão hóa này vậy. Có vấn đề gì không phải, sự kiện nào đó chưa được chính xác hoặc có thể động chạm tới một ai đó thì mong các "pác" trong lớp thông cảm cho nhé. (Dù sao nó cũng là dĩ vãng rồi mà, bây giờ già rồi, tuổi trên " bốn sập", nếu có cay cú thì cũng chẳng làm gì!...)

Kỷ niệm giữa chúng ta và các thầy cô giáo kể ra thì còn nhiều lắm, mà kỷ niệm giữa bọn chúng ta với nhau thì càng vô khối, tha hồ mà kể lể cho thỏa thích. Càng nhiều người kể ra đây thì càng tốt vì đó là những sự kiện đan xen nhau, một người không thể nào biết hết được. Tôi chỉ nhớ được những kỷ niệm chút ít liên quan đến tôi thôi.

Có những kỷ niệm cũng hơi tự hào một chút như tôi, Lam Tàu và Dương Thu Hằng được lớp cử đi thi hát. Hồi đó chẳng ai chịu thể hiện cả, chả bù cho bây giờ sau 25 năm tu luyện lớp mình bỗng xuất hiện nhiều giọng karaoke xuất sắc đến thế, tranh nhau thể hiện giọng ca vàng (mặc dù chưa có tay vịn !!!). Sáng hôm đó, tôi và Lam tàu đến trước vào phòng họp nhà trường, các thầy cô trong ban giám khảo tập trung đông đủ. Lam tàu không chịu hát bài nào cả, tôi đành phải đứng lên hát bài "Tình ca người thợ mỏ" của Hoàng Vân. Hát xong, chẳng biết kết quả thế nào, hai thằng dắt xe đi về luôn. Khi ra đến cổng mới gặp Dương Thu Hằng đến dự thi. Thu Hằng vào hát bài "Mặt trời bé con" của Trần Tiến (ngày xưa bài đó mới thịnh hành mà). Cuối cùng đến hôm trình diễn trước nhà trường, do tôi bản lĩnh kém quá, vừa hát vừa run (vì chưa bao giờ biểu diễn trước khán giả đông đảo như thế), đến nỗi cô Hương dạy Chính trị (đồng thời là Bí thư Đoàn trường) phải cầm micro giúp. Còn Hằng thì biểu diễn hát tự nhiên hơn (con trai ngày xưa hơi kém con gái một chút chứ không mạnh mồm như mấy anh bây giờ). Cuối cùng các tiết mục văn nghệ của lớp cũng được trao giải nhất tập thể, coi như là một giải an ủi trong "sự nghiệp ca sĩ bất đắc dĩ" của tôi.

Tôi cũng có một niềm tự hào thứ hai là từ bé đến lúc đó chưa bao giờ được vào nhà Hát lớn. Ngày xưa được đi xem ca nhạc là một điều quá xa xỉ đối với học sinh, chỉ trừ trường hợp đặc biệt nào đó ai cho vé mới dám đi (làm gì có tiền mà mua). Mà chỉ được xem ở những rạp lìu tìu như rạp Công Nhân ở Tràng Tiền thôi. Nhưng cuối cùng thì tôi cũng được vào Nhà Hát Lớn với tư cách là một... diễn viên. Thật là một điều lớn lao, vì nhà trường tổ chức Hội diễn kịch chuyển thể từ các tác phẩm trong chương trình văn học. Lớp mình tham gia diễn vở "Dân biểu tranh năng" của Tú Mỡ (dựa theo tích Lục súc tranh công). Tôi được phân vai Nghị trưởng, Sơn đỉ là Nghị Báo chí, Lam Tàu Nghị Rượu, Bằng Rèn là Nghị Thầu khoán, Tiên Lợn là Nghị Cầu Đường, Thắng Pôn Pốt là Ông Tây... và cô An là đạo diễn. Nói chung vở kịch hay nhưng do diễn xuất của diễn viên hơi bị kém, chỉ có Lam Tàu là diễn tốt nhất thôi. Dù sao vở diễn cũng được trao giải ba nhà trường, lý do được giải có lẽ thầy Lập là trưởng ban giám khảo, mà vở này do thầy đề xuất chẳng lẽ lại không đạt được kết quả nào?. Hôm đó, tôi phải chạy về lục tủ ở nhà lấy chiếc áo com-lê của bố tôi để làm trang phục, bạn nào đó đã đưa cho tôi một chiếc kính chỉ có gọng mà không có mắt kính đeo vào. Lam Tàu thì lấy một cái vỏ chai làm đạo cụ. Sơn đỉ cầm giấy bút làm phóng viên kiêm Nghị Báo. Chúng tôi hò hét, quát lác om sòm trên sân khấu, lời thoại những gì chỉ có diễn viên hiểu được mà thôi, còn khán giả chỉ thấy nhí nhố láo nháo chả đâu vào đâu. Dù sao vui là chính.

Ngày xưa, hồi học lớp 8, học sinh đi lao động công ích chủ yếu là vét sông Kim Ngưu thôi. Sau này, có năm đi lao động ở nhà máy dệt Tây Đức (tôi cũng không nhớ rõ năm nào), mà lao động ở đó là đánh cọ sàn nhà, đục ba via. Tôi có mang một cái búa của bố tôi đo để gõ, đục, đẽo sau đó bị mất không tìm lại được nữa. Học sinh ngày đó không có nhiều cơ hội tụ tập đi chơi bời tham quan như học sinh thời bây giờ. Duy năm học lớp 12 có một lần tổ chức được chuyến đi xa duy nhất đó là đi chơi chùa Tây Phương và chùa Trăm Gian ở Hà Tây. Nó cũng là một chuyến đi đầy kỷ niệm và vất vả. Cả nhóm hồi đó chỉ có đâu trên dưới hai chục người thì phải, toàn phải đi xe đạp (mà ngày xưa có xe đạp để đi đã là "bố tướng" lắm rồi, nhiều người còn phải đi bộ). Đây thực chất là cuộc đi chơi pic-nic, có ai biết lễ bái gì đâu, đạp xe mỏi cả cẳng. Đến chiều tối lúc ra về thì trời bắt đầu có giọt mưa, không ai mang áo mưa cả. Giữa đồng không mông quạnh không một bóng cây để trú, nhưng rất may trời chỉ có hơi lất phất thôi, không nặng hạt lắm. Tôi thì đèo bạn Lai, tay dắt thêm một chiếc xe đạp nữa, không hiểu làm sao mà hồi đó tôi lại có thể đèo phăng phăng đi được (lúc này xe chưa hỏng). Lên đến đường Quốc lộ về gần trạm Trôi thì xe của tôi bị trật cá, tôi đành phải vừa đạp xe của Hiệp, vừa dắt xe đạp của mình. Khi gần đến ngã ba Nhổn, có một nhóm thanh niên thổ dân xông ra cà khịa, suýt nữa xảy ra đánh nhau to, nhưng rất may, thấy chúng tôi đông nên bọn chúng lại rút lui. Ngày hôm sau tôi phải xuống nhà Hiệp, hai thằng hì hục đại tu lại "con xe" để có cái còn đi học.

Tôi còn nhớ một lần chửi bậy trong lớp, có lẽ mọi người hồi đó nhìn thấy một người như tôi không ai nghĩ tôi lại biết chửi bậy và văng bậy đến thế. Trong ba năm học cấp III, tôi chỉ có một lần nhưng đó là lần chửi bậy mà không bao giờ tôi có thể quên được. Ngày hôm ấy, khi Thanh Xuân lên bảng chép thời khóa biểu, cả lớp chăm chú ghi lại. Khi tôi đang còn đang hí hoáy chép dở thì thằng Tiên Lợn đi lên bảng xóa sạch. Nó làm trực nhật của lớp mà, nó phải lau bảng trước khi thầy giáo vào lớp. Khi nó vừa xóa xong, tôi liền đứng dậy hét to: "Đ. mẹ thằng Tiên Lợn nhé !". Tôi chưa kịp dứt lời thì thầy Nhu bước vào lớp. Thầy nhìn xuống bàn chúng tôi rồi nói: "Anh nào vừa chửi bậy đứng dậy". Khi đó tôi sợ quá, không ngờ thầy Nhu vào lớp nhanh thế và nghe thấy tiếng chửi bậy. Tôi không đủ can đảm để đứng lên. Thầy Nhu nói tiếp: "Anh nào mạnh dạn nhận khuyết điểm tôi sẽ bỏ qua, nếu không tôi sẽ đuổi học cả bàn, mời bàn 5 ra khỏi lớp". Tôi, Đạo Độ, Lam Tàu, Dũng Cóc bốn thằng thất thểu ra ngoài hành lang. Dũng Cóc bàn với tôi: "Nếu không ai nhận, cả bốn chúng ta sẽ bị đuổi học, thôi bây giờ mày phải nhận thôi, chúng tao sẽ vây quanh thầy giáo, trong lớp không ai biết mày chửi bậy đâu. Nếu thầy mà đuổi học mày, bọn tao sẽ bù lu bù loa là thầy giáo mà không giữ uy tín, không giữ lời hứa, thầy sẽ ngượng ngay". Cuối cùng chúng tôi vây lấy thầy Nhu và tôi lí nhí xin lỗi. Rất may là không có chuyện gì lớn xảy ra với tôi cả. Thầy đã tha lỗi cho tôi theo đúng những gì thầy đã hứa.

Xem tiếp bài:
3. Lan man kỷ niệm (phần kết)
=======================================

XEM THÊM CÁC ALBUM ẢNH KHÁC TẠI ĐÂY




XEM THÊM CÁC VIDEO KHÁC TẠI ĐÂY


=======================================
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm ơn bạn đã ghé thăm và đọc bài viết này trên blog của chúng tôi!. Bạn có thể để lại lời nhận xét (comment) của mình cho bài viết này! Làm ơn viết lịch sự và dùng tiếng Việt có dấu. Hy vọng bạn thích
blog này và hãy đánh dấu địa chỉ blog để bạn có thể ghé thăm lại.

Mọi góp ý xin gửi về email: quynhmai12b83@gmail.com hoặc lenam12b@gmail.com


Cô giáo Chủ nhiệm

NHẬN XÉT MỚI ĐĂNG

Bài đăng ngẫu nhiên

Các bài đã đăng

LƯỢT XEM